Hội thảo triển khai đề tài xây dựng cơ chế và mô hình liên kết vùng tây nam bộ trên cơ sở quản lý tài nguyên nước và phát triển nông nghiệp gắn liền với sinh kế hộ nông thôn: thí điểm vùng Đồng Tháp Mười
Thứ hai (08/07), tại Viện Địa lý Tài nguyên Tp.HCM đã diễn ra buổi Hội thảo triển khai đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng cơ chế và mô hình liên kết vùng Tây Nam Bộ trên cơ sở quản lý tài nguyên nước và phát triển nông nghiệp gắn liền với sinh kế hộ nông thôn: thí điểm vùng Đồng Tháp Mười” do TS.Trịnh Phi Hoành làm chủ nhiệm.
Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS.Từ Diệp Công Thành là Giám đốc văn phòng của chương trình, GS.TS.Võ Quang Minh đến từ Đại học Cần Thơ, PGS.TS.Phạm Việt Hòa là Viện trưởng của Viện Địa lý tài nguyên, PGS.TS.Nguyễn Văn Lập và PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Phượng là Viện phó của Viện. Bên cạnh đó là sự góp mặt của các đại diện đến từ các đơn vị phối hợp thực hiện cùng chương trình như ông Võ Kim Thuần – Chi cục trưởng đến từ Chi cục PTNT và Thủy lợi – Sở NN&PTNT Long An, ông Nguyễn Viết Cường – Giám đốc và bà Trần Thị Hồng Thắm là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và PTNT Đồng Tháp Mười, ông Trương Thanh Sơn đến từ Sở Nông nghiệp Long An và bà Lê Nguyễn Băng Châu đến từ Chi cục thủy lợi – Phòng NN&PTNT Tiền Giang.
Tại Hội thảo, TS.Trịnh Phi Hoành đã trình bày những vấn đề trọng tâm của đề tài, khái quát những mục tiêu cũng như những sản phẩm đầu ra của đề tài.
TS.Trịnh Phi Hoành trình bày báo cáo
Qua báo cáo, các đại diện từ các đơn vị phối hợp thực hiện cũng như các đại biểu đã đóng góp và đưa ra những nhận xét quan trọng. TS.Võ Quang Minh góp ý về việc hỗ trợ tiến sĩ cũng như cần nêu ra các giải pháp cụ thể cho việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho đề tài.
GS.TS.Võ Quang Minh đóng góp ý kiến
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và PTNT Đồng Tháp Mười – ông Nguyễn Viết Cường nhận định rằng tình hình tại Đồng Tháp Mười đang có sự thay đổi, cụ thể là lũ, nên đơn vị thực hiện cần có những khảo sát tổng quan để có hướng nghiên cứu thích hợp, đồng thời cần đào tạo đội ngũ điều tra để có hiệu quả điều tra cao nhất.
Ông Nguyễn Viết Cường đưa ra nhận định
PGS.TS.Từ Diệp Công Thành có ý kiến rằng đề tài có một phạm vi nghiên cứu rộng, chính vì vậy cần sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên tham gia đề tài, các đơn vị phối hợp thực hiện để đề tài đạt kết quả cao nhất. Việc nghiên cứu các mô hình sinh kế cần phải kết hợp với các hệ thống quan trắc sẵn có, các mô hình phải được tổng hợp, kiểm chứng.
PGS.TS.Từ Diệp Công Thành nhận định tình hình
Ông Võ Kim Thuần cho rằng những vấn đề tự nhiên tại vùng Đồng Tháp Mười dưới sự tác động của yếu tố con người đã giảm đi tính quy luật của nó.
Ông Võ Kim Thuần đưa ra nhận xét
Bà Nguyễn Băng Châu lưu ý việc xem xét điểm mạnh và điểm yếu của từng khu vực, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển và tạo được tính liên kết chặt chẽ giữa các vùng.
Bà Nguyễn Băng Châu nhận xét
PGS.TS.Nguyễn Văn Lập góp ý xem xét mục tiêu và sản phẩm của đề tài, tập trung vào việc phát triển mô hình và quan trọng hơn cả là phối hợp với các đơn vị địa phương.
PGS.TS.Nguyễn Văn Lập góp ý cho đề tài
Tiếp nhận góp ý, PGS.TS.Phạm Việt Hòa cũng đã giải thích về những mục tiêu cũng như lý do của các sản phẩm đầu ra của đề tài.
PGS.TS.Phạm Việt Hòa nói về mục tiêu và các sản phẩm của đề tài
Những đóng góp và nhận xét của các đại biểu và đại diện từ các đơn vị địa phương là nguồn thông tin quý báu để đề tài có bước đầu khởi động thuận lợi và cho ra những sản phẩm có giá trị cao cả về khoa học lẫn thực tiễn.
H.S.N